Tuyên truyền
ĐẠI HỘI THỂ DỤC THỂ THAO THỊ TRẤN LỘC HÀ LẦN THỨ I

Lộc Hà phát huy lợi thế vùng biển cửa trong sản xuất ngư nghiệp

Thứ sáu - 21/07/2023 23:52
(Baohatinh.vn) - Huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) đã và đang khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng biển cửa để tổ chức khai thác, sản xuất thủy hải sản hiệu quả, an toàn.
Lộc Hà phát huy lợi thế vùng biển cửa trong sản xuất ngư nghiệp


Quang cảnh nhộn nhịp trên bến, dưới thuyền ở Cửa Sót vào mỗi buổi sáng.

Đảm bảo khai thác hiệu quả

Vùng biển cửa Lộc Hà gồm: thị trấn Lộc Hà, các xã Hộ Độ, Mai Phụ, Thạch Châu, Thạch Kim, Thịnh Lộc và một phần xã Thạch Mỹ. Các địa phương này nằm ven đường bờ biển dài 12 km và hạ du sông Nghèn. Đây là vùng biển có nhiều lợi thế về đánh bắt như nguồn lợi thủy sản lớn, nhiều loài có giá trị, cùng với đó là đội tàu thuyền khá nhiều, ngư dân có kinh nghiệm... Vì vậy, đây là một trong những vùng đánh bắt thủy sản trọng điểm của Hà Tĩnh với sản lượng không ngừng tăng.

Những mẻ lưới rùng kéo gần bờ đầy ắp cá của ngư dân Thịnh Lộc.

Anh Nguyễn Ngọc Tâm ở thôn Sơn Bằng (xã Thạch Kim) cho biết: “Phát huy nghề truyền thống, cách đây 6 năm, chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư mua sắm tàu 300 CV để ra vùng đảo Bạch Long Vĩ đánh bắt bằng nghề câu. Mỗi chuyến biển, chúng tôi đi 10 ngày với 7 lao động, đánh được khoảng 1,5 tấn cá (giá trị nhất là cá thu, cá mú, cá nục...). Mỗi chuyến thu được 50 – 55 triệu đồng, trừ chi phí còn khoảng 40 triệu đồng, tiền nhân công 400 - 450 nghìn đồng/người/ngày, chủ tàu được gấp đôi”.

Cũng theo anh Tâm, những năm gần đây, sản xuất trên biển gặp bất lợi do ngư trường ngày càng khan hiếm, thời tiết diễn biến phức tạp, giá nhiên liệu tăng, nguồn nhân lực trẻ chưa có tay nghề... Tuy nhiên, ngư dân Thạch Kim nói riêng và Lộc Hà nói chung vẫn ngày ngày kiên trì bám biển vươn khơi bởi đây không chỉ là nghề mưu sinh, giúp cải thiện cuộc sống mà còn là nghề truyền thống của cha ông cần lưu giữ và phát huy.
Những mẻ hải sản tươi ngon ngư dân đánh bắt ở khu vực gần bờ, được phân loại trước khi tiêu thụ.

Đội tàu đánh cá của Lộc Hà hiện có 305 chiếc với tổng công suất gần 21.441CV, hoạt động từ vùng khơi, vùng lộng đến gần bờ. Hằng ngày, đội tàu này đều đặn hối hả ra biển để mang về những loại hải sản sản tươi ngon, chất lượng.

Trong 6 tháng đầu năm nay, Lộc Hà đánh bắt được 2.739 tấn hải sản các loại, cho giá trị khoảng 150 tỷ đồng. Huyện phấn đấu năm nay đạt trên 5.000 tấn, năm 2024 đạt 5.200 tấn và năm 2025 đạt 5.927 tấn...

Ngư dân Thạch Kim chuẩn bị ngư cụ cho một chuyến sản xuất mới.

Chị Nguyễn Thị Duyên – công chức Phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà thông tin: Trong Đề án Cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM trên địa bàn huyện Lộc Hà giai đoạn 2022 – 2025, thời gian tới, Lộc Hà sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả cảng cá Cửa Sót và khu dịch vụ hậu cần để đẩy mạnh nghề khai thác.

Hoạt động khai thác sẽ ưu tiên đánh bắt các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao; khuyến khích chuyển đổi nghề, ngư cụ, bảo vệ môi trường gắn với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; thực hiện các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU)...

Chú trọng phát triển lĩnh vực nuôi trồng

Sau khi hoàn thành chuyển đổi 70 ha đất muối kém hiệu quả đưa vào nuôi trồng thủy sản công nghệ cao tại xã Hộ Độ và Mai Phụ, Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Hồng Anh đã mạnh dạn đi tiên phong, đầu tư hàng chục tỷ đồng để đầu tư hệ thống ao hồ hiện đại.

Hiện, công ty có 4 hồ nuôi khép kín trong nhà, có hệ thống xử lý nước cấp diệt khuẩn, xử lý nước thải đạt chuẩn, đảm bảo an toàn dịch bệnh, đủ xuống giống 1,5 triệu con/lứa. Sau 6 tháng, công ty đã cho thu hoạch những đợt tôm thương phẩm đầu tiên đạt chất lượng cao. Trong đó, đợt thu hoạch đạt kết quả cao nhất là 10 tấn tôm (loại dưới 40 con/kg, nuôi hơn 100 ngày), cho giá trị sản xuất gần 2 tỷ đồng và lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.

Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Hồng Anh thu hoạch những mẻ tôm đầu tiên.

Những năm qua, các địa phương vùng biển cửa của huyện Lộc Hà đã tập trung chỉ đạo, khuyến khích người dân mở rộng diện tích, quy mô, nâng cao chất lượng, hiệu quả nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng an toàn, công nghệ cao vùng mặn lợ. Năm nay, toàn huyện dự kiến nuôi 135 ha (nhiều hơn năm ngoái 10 ha), sản lượng ước đạt 435 tấn (tăng 150 tấn so với năm 2022) và phấn đấu đến năm 2025, sản lượng sẽ tăng gấp 3 năm nay. Hiện, có khoảng 60% diện tích nuôi thâm canh, gần 20% nuôi theo các mô hình công nghệ cao.

Cùng với nuôi tôm, Lộc Hà đang tập trung tổ chức lại sản xuất tại các vùng nuôi trồng thủy sản mặn lợ để nuôi trồng các loại đối tượng phù hợp, đáp ứng nhu cầu thị trường, đảm bảo an toàn dịch bệnh và hạn chế thiệt hại do thiên tai. Trong đó, bà con đang ưu tiên nuôi xen canh giữa các loại tôm sú, tôm thẻ, cua, cá đối mục, cá chẽm, cá hồng mỹ, cá mú... Riêng 6 tháng đầu năm nay, toàn huyện đã nuôi 263 ha ao hồ vùng mặn lợ, cho sản lượng 1.399 tấn tôm, cua, cá.

Người dân Mai Phụ thu hoạch ngao thương phẩm.

Ngoài ra, người nuôi trồng thủy sản Lộc Hà mấy năm gần đây cũng đã chú trọng hơn đến công tác cải thiện môi trường, đổi mới phương thức nuôi, tìm kiếm nguồn giống chất lượng và mở rộng thị trường tiêu thụ nhuyễn thể (chủ yếu là hến, hàu, vẹm xanh).

Hiện tại, 167 ha tại các bãi triều ven sông ở thôn Mai Lâm (xã Mai Phụ), Liên Xuân (xã Hộ Độ), Lâm Châu (xã Thạch Châu) và Xuân Hòa (thị trấn Lộc Hà) đã được phủ kín nhuyễn thể, sản lượng đạt 2.095 tấn/năm.

Người nuôi trồng thủy sản ở Hộ Độ kiểm tra ao nuôi xen canh giữa tôm thẻ, cá đối mục với cua.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà Lê Hồng Cơ cho biết: Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IV thì năm 2023, toàn huyện sẽ có 8.871 tấn hải sản (trong đó nuôi trồng 3.871 tấn), năm 2024 phấn đấu đạt 9.420 tấn (trong đó nuôi trồng đạt 4.220 tấn) và năm 2025 phấn đấu đạt 10.600 tấn (nuôi trồng đạt 4.647 tấn).

Để hướng tới mục tiêu trên, ngoài duy trì khai thác thủy hải sản, huyện đã xây dựng chính sách hỗ trợ nuôi trồng như: xây dựng mới mô hình nuôi tôm thâm canh trong bể xi măng hoặc bể tròn lót bạt với quy mô từ 200 m2 trở lên được hỗ trợ 50% giống, thiết bị (không quá 50 triệu đồng/cơ sở); 50% kinh phí mua giống tôm thẻ chân trắng cho các tổ chức, cá nhân thực hiện việc nuôi thả lại sau khi chấp hành việc xử lý tiêu hủy ao nuôi bị các loại dịch bệnh nguy hiểm (50% giống, không quá 10 triệu đồng/hộ); các mô hình nuôi các đối tượng thủy sản khác (50% giống và thức ăn, không quá 30 triệu đồng/hộ); đào tào nâng cao năng lực khai thác, nuôi trồng thủy sản (30 triệu đồng/lớp)...


Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây